Mátxcơva mãi mãi tình yêu của tôi!

Đặt chân xuống sân bay quốc tế Domodedovo, ý nghĩ đầu tiên ùa vào tâm trí tôi là liệu khu vườn trường MGIMO (Đại học Quan hệ quốc tế Mátxcơva) có còn sót lại cây cối nào với màu vàng mùa thu.

Mới khoảng 2 giờ chiều, nhưng bầu trời thủ đô nước Nga xám xịt, giống màu trời Sài Gòn 18 giờ hàng ngày của tháng 12 những hôm mưa đi vắng. Để về khu phức hợp đa năng Hà Nội - Mátxcơva ở phía Tây Nam thành phố, và tránh kẹt xe ở trung tâm, người ta phải chạy trên đường vành đai.

Domodedovo vốn là một sân bay nội địa, nằm ở tận phía Đông Bắc Mátxcơva, chẳng hiểu sao giờ lại đón cả các chuyến bay quốc tế, trong đó có các chuyến của Vietnam Airlines từ Hà Nội và TPHCM. So với Sheremetyevo Airport nó

Chạm vào mùa thu

Một người bạn kể rằng năm nay nước Nga không có mùa thu - điều hy hữu duy nhất mà cô nhìn thấy trong suốt gần một phần tư thế kỷ sống và làm việc tại Mátxcơva. Mùa hè nóng một cách thản nhiên, có ngày hơn 30 độ như khí hậu nhiệt đới, rồi cứ thế cái nóng tràn qua mùa thu và đông tới. Cây cối chẳng có thời gian đỏ lá, vàng lá. Khi những cơn gió lạnh buốt và khô khốc mùa đông chiếm lĩnh không gian, lá xanh trút xuống đầy gốc. Đầu tháng 11, không thể nào phân biệt được có bao nhiêu lá xanh, hay lá hơi vàng đã đổi màu và bắt đầu mục ruỗng dưới gốc những cây bạch dương thân trắng, trơ trụi, khẳng khiu dọc đường vành đai.

Ngày hôm sau tôi hối hả trở về MGIMO, sự hối hả biến thành cuống cuồng khi thời tiết được dự báo có thể lạnh hơn trong những ngày sắp tới và bị ám ảnh bởi ý nghĩ nếu không trở lại nhanh, những cái cây vàng lá đang đợi chờ có thể biến mất. Ra khỏi bến tàu điện ngầm Vernadscovo, nhìn thấy chiếc xe buýt số 47 - chiếc xe quen thuộc có bến dừng ngay trước ký túc xá số 76 của trường - nhưng thây kệ, tôi rảo bước gần như chạy bộ. Bốn bến xe buýt, không gần nhưng cũng chẳng xa. Bên này và bên kia đại lộ Vernadscovo, các khu nhà, rạp chiếu phim, cửa hàng Productưi (bán đồ thực phẩm, rau quả), hiệu thuốc, tiệm làm tóc... vẫn như mấy chục năm trước. Chỉ dòng xe chạy dưới đường dầy hơn thôi và trong bãi xe của MGIMO toàn thấy Mercedes, Audi, BMW... loáng thoáng mới có bóng xe Nga. Thì MGIMO vẫn vậy. Thời Xô viết, thời Gorbachov và sau này đến thời Yeltsin xe ở MGIMO bao giờ cũng “à la mode”. Những năm 1980 xe Volga hiếm hoi ở đâu không biết, trong bãi xe của trường đầy rẫy.

Rồi tôi đứng sững, không thể tin nổi ở mắt mình, như thể đang chạm vào mùa thu, như thể mùa thu muộn màng ùa đến, vây quanh, ngả ngớn dưới chân, bảng lảng trên đầu, cả một khu vườn trường vàng rực sau bãi xe. Tôi ngồi thụp xuống, mân mê những chiếc lá rụng trên nền cỏ xanh, vơ vội chúng vào lòng, vơ vội thành một đống lùm lùm trước mặt, rồi bước nhẹ, rồi nhảy lên, cuống quít, lẫng bẫng như thể cái không gian này, mùi vị này, màu sắc này có thể trôi đi đâu mất.

Bất chấp cái lạnh không độ đang ngấm vào không khí của một buổi chiều thiếu ánh mặt trời, tôi ngả lưng trên cỏ, bồng bềnh, tĩnh lặng, không có tiếng côn trùng, không tiếng xe hơi, đằng xa là làng Olympic với những tòa nhà hai mươi mấy tầng. Tôi biết thế vì tôi đã từng đếm từng tầng của từng building trong suốt thời sinh viên đứng ở ký túc xá nhìn về hướng ấy. Năm tháng qua rồi, tuổi trẻ hai mươi cũng qua rồi, những mùa thi và những ông giáo sư khó tính, dễ tính cũng qua rồi. Không biết người thầy dạy tiếng Pháp hẳn đã nghỉ hưu, giờ ở đâu? Ông vốn là thành viên tổ biên dịch và phiên dịch của phái đoàn Liên Xô ở Brussels về đàm phán giải trừ quân bị. Trong những giờ học dịch chính trị, mỗi khi nói đến vũ khí là sinh viên há hốc mồm, tròn mắt nghe như nuốt từng lời giảng của ông. Cho đến tận bây giờ, cái từ “giải trừ quân bị” có lẽ vẫn là từ mà tôi nhớ kỹ nhất trong vốn từ vựng của mình.

Ballet ở Bolshoi Theatre New Stage

Cảm giác của nhiều người về Mátxcơva là cái gì cũng to quá. Nhà to, đường phố to, trung tâm thương mại lớn, các nhà ga lớn, xe buýt lớn, còn rừng thì đúng là miên man. Đi lại ở Mátxcơva mất nhiều thời gian cho dù đi bằng metro hay xe hơi. Nhưng Mátxcơva lại có nhiều thứ buộc người ta phải nhớ. Chẳng ở đâu có những ga tàu điện ngầm đẹp như ở Mátxcơva, chúng rộng, sâu và vững chãi như thành đồng. Nhiều ga sâu đến nỗi đi thang cuốn phải mất 5 phút mới lên tới mặt đất. Thang cuốn trong metro là nơi các đôi tình nhân thường hôn nhau, những nụ hôn lãng mạn đến không tưởng. Đôi khi sự lãng mạn ấy bị che lấp bởi dòng người vội vã, không chịu đứng trên thang cuốn, mà chạy bộ lên hoặc xuống ở phía bên trái. Họ sợ lỡ chuyến tàu, trễ vài phút đến công sở, trường học, về nhà, đến nơi nào đó hay đơn giản là một cuộc hẹn trên mặt đất kia. So với metro ở Paris, các chuyến tàu điện ngầm ở Mátxcơva ken dày hơn nhiều, người ta chỉ cần đứng đợi trễ nải lắm một phút, chứ không đến độ 5-7 phút, thậm chí 8-9 phút như ở thủ đô nước Pháp.

Một số bến tàu điện ngầm nay không còn mang tên cũ, chúng có tên mới, lạ lẫm. Các tuyến metro dài ra, nối bằng các ga mới, Mátxcơva càng trở nên mênh mông. Một người bạn Bulgaria ở đại học mấy chục năm trước nói Mátxcơva có lẽ rộng bằng cả đất nước của anh. Giờ đây chắc Mátxcơva còn rộng hơn thế. Chỉ có một thứ mà khi đến đó tôi có cảm giác nhỏ lại là Quảng trường Đỏ. Ở lối cửa chính từ metro lên Quảng trường Đỏ hai bên bức tường đầy thơ ca ngợi Mátxcơva, từ cổ điển đến hiện đại. Giữa những ngày đầu đông, Quảng trường Đỏ ngổn ngang cần cẩu, gỗ, gạch, những khối bê tông. Người ta đang sửa sang gì đó. Ở một góc phía ngoài quảng trường, trung tâm thương mại GUM sáng đèn lấp lánh. Khá nhiều khách du lịch tham quan nhà thờ St. Basil’s. Một người bạn nhận xét mái vòm, kiến trúc, và các bức họa bên trong nhà thờ St. Basil’s khác hẳn nhà thờ Thiên Chúa giáo. Trên tầng áp chót mái vòm, ở phía sau nhà thờ, qua khung cửa sổ rộng có thể nhìn thẳng ra sông Mátxcơva. Mùa lạnh vẫn có tàu chở khách du lịch qua lại, trôi chầm chậm. Nếu là mùa hè, có thể trèo lên một chiếc tàu thủy, đi miết ra đằng cửa sông, vào những khu rừng, lang thang, lạc lối về...

Trong cái lạnh ngọt của màn đêm buông xuống, nhà hát lớn Bolshoi Theatre đứng trầm mặc. Cái vườn hoa nhỏ trước nhà hát nay biến thành bãi đậu xe, chẳng còn tí chút thi vị nào sót lại. Hồi trước tôi vẫn thường đến tiệm kính ở con phố nhỏ gần đấy sửa kính hoặc thay tròng mới mỗi khi lên độ cận, sau đó ra ngồi nghỉ chân trên một băng ghế gỗ trong cái vườn hoa nhỏ trước khi đi bộ lên phố Gorkovo (nay đổi tên thành Tverskaya ulitsa). Mọi nỗ lực mua vé xem hòa nhạc hay ballet ở trong Bolshoi Theatre đều không thành vì vé đã bán hết cả năm, tôi đành xem vở ballet Hamlet trong Malui Theatre (New Stage) bên cạnh. Bỏ lại sau lưng những suy tư, âu lo, những tháng ngày buồn vui, những mối tình đến và đi, những bài báo nghề nghiệp, những khắc khoải bạn bè, chìm đắm vào tác phẩm của Shakespeare trên nền nhạc Shostakovich, với tôi ballet vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời không thể quên trong đời.

Mátxcơva bình dân và sang trọng

Mátxcơva có con phố đi bộ nổi tiếng Starưi Arbat, nơi những nhạc công biểu diễn kiếm vài xu lẻ của khách bộ hành, nơi các họa sĩ ký họa chân dung hành nghề và tán gẫu, nơi đám thanh niên choai choai nhảy hip-hop và nhiều, rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng, quán ăn, bar, cà phê. Tôi chọn quán cà phê có bán đồ ăn tên Ukrop vì nhìn trong menu có vài món Nga. Tôi nhớ pemelni (bột mì cán mỏng bọc thịt bên trong) hấp ăn với váng sữa smetana. Suốt mấy ngày ở Mátxcơva tôi đã cất công đi tìm nó mà không ra, có lẽ vì nó bình dân quá. Ukrop có hai loại pemelni, loại truyền thống và loại nhiều màu. Tôi gọi cả hai và đúng như phỏng đoán, pemelni truyền thống ngon hơn vì mùi vị đặc trưng và sự mềm ngậy vốn có. Bên ngoài nhiệt độ đã hạ xuống âm 2 độ C. Cái quán có tường xung quanh bằng gỗ này bỗng trở nên ấm cúng, níu giữ lạ thường. Tôi bắt chuyện một cô gái phục vụ rất trẻ, khoảng ngoài hai mươi tuổi, dáng hình và khuôn mặt đặc sệt Trung Á nhưng giọng nói lại của người Mátxcơva. “Đây là quán ăn của gia đình tôi, tôi sinh ra và lớn lên ở Mátxcơva” - cô tâm sự. Thảo nào. Mátxcơva giờ đây nhiều dân tứ xứ, nhưng nói tiếng Nga rất chuẩn, và không dễ phân biệt họ đến từ vùng nào nữa. Âu cũng là đặc trưng của một thành phố nhiều biến động.

Ra khỏi Arbat, ai ai cũng nhìn thấy nhà hàng Praga khoác trên mình chiếc áo mang nặng dấu ấn lịch sử. Có từ thế kỷ 19, Praga là một trong những nhà hàng sang trọng bậc nhất dưới thời Sa hoàng. Thời Xô viết, hầu hết các bữa tiệc tại đây đều do Nhà nước đặt. Vài chục đứa sinh viên khoa Báo chí chúng tôi có một lần ở đó với “kẻ” đầu têu Bladimir Orlov, vốn dĩ được các thầy cô đánh giá có triển vọng nhất trong số 60 sinh viên năm ấy. Orlov nói tiếng Tây Ban Nha điệu nghệ và không giấu giếm rằng cậu thích hãng thông tấn Novosti. Tôi nhận ra mình đã đứng khá lâu trước Praga, thả hồn vào những ý nghĩ về quá khứ, đến nỗi quên mất nhà sách Dom Knigi trên đại lộ gần đó mà tôi có ý định ghé qua, đã đóng cửa tự lúc nào.

Về đêm mới thấy Mátxcơva ngập tràn biển quảng cáo, chủ yếu xe hơi, quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm..., toàn các thương hiệu nước ngoài. Loáng thoáng có hình Tổng thống Putin đâu đó trong ánh đèn đủ màu nhấp nháy.
 

Nguồn: thesaigontimes.vn

Bạn đang xem: Mátxcơva mãi mãi tình yêu của tôi!
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0862528118
x